ETIC on Facebook

Thursday, 23 June 2011

Đào sâu thuật ngữ dịch thuật, phiên dịch, biên dịch

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại nhu cầu giao tiếp và thông tin trên thế giới lại lớn như trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Song song với mối đe dọa đồng nhất hóa đến từ những nền văn hóa mạnh là nhu cầu khẳng định bản sắc của mình và tìm hiểu bản sắc của người khác, trong bối cảnh như vậy dịch thuật đương nhiên giữ một vai trò nổi trội.

1. Dịch thuật, phiên dịch, biên dịch là gì?

Không phải ngẫu nhiên mà chi phí cho việc trao đổi, giao tiếp trong Liên hiệp châu Âu với 20 thứ tiếng khác nhau đã ngốn tới 1 tỷ euro trong năm vừa qua. Vậy 1 tỷ euro đó chi cho những gì? Xin thưa, cho đội ngũ biên phiên dịch. Trước hết ta hãy cùng thống nhất về cách hiểu chữ dịch thuật để tránh việc “ông nói gà, bà nói vịt”.


Dịch thuật gồm phiên dịch (dịch nói) và biên dịch (dịch viết): Chữ thuật cho ta thấy ngay là bộ môn này cần một số kiến thức và kỹ năng nhất định. Từ đó suy ra là không phải ai cũng làm được. Nhiều người quan niệm rằng: cứ thành thạo hai thứ tiếng là dịch được. Xin nói ngay, đây là quan điểm hết sức sai lầm. Trên thế giới có hơn 6 tỷ người có khả năng chơi được bóng đá. Không đến một phần ba trong số đó chơi bóng đá. Trong khi đó giải vô địch thế giới chỉ dành cho vài trăm cầu thủ và chỉ một số ít tỏa sáng. So sánh như vậy để thấy giữa cái ta có thể làm với cái ta làm là rất xa nhau và không phải cứ thành thạo tiếng nước ngoài và tiếng mẹ đẻ là có thể dịch được, không phải cứ viết giỏi, viết hay là đương nhiên trở thành nhà thơ, nhà văn.

Quay trở lại với chữ dịch thuật gồm phiên dịchbiên dịch. Trong phiên dịch lại chia ra thành phiên dịch hội nghị và phiên dịch tiếp xúc. Trong phiên dịch hội nghị lại chia thành dịch đuổi (người dịch nói sau khi diễn giả ngừng lời) và dịch cabin (hay dịch song song). Dịch tiếp xúc có thể được chia thành giao tiếp thông thường và giao tiếp ngoại giao hoặc đàm phán kinh tế… Biên dịch có thể được tạm chia thành dịch văn bản khoa học, báo chí, diễn văn, văn học nghệ thuật. Nói vậy để thấy từ dịch thuật bao gồm những nhánh nhỏ rất khác nhau.

Mỗi công việc lại đòi hỏi những kỹ năng riêng mà không phải làm tốt công việc này thì đương nhiên sẽ làm tốt công việc khác. Nhiều người cho rằng đã làm được phiên dịch thì sẽ làm được biên dịch và ngược lại. Ðiều này có thể đúng ở những cấp độ ngôn ngữ đơn giản và không đúng ở dịch thuật đỉnh cao. Cũng giống như không huấn luyện viên nào lại đi xếp Ronaldinho vào vị trí hậu vệ và Maldini vào vị trí tiền đạo. Do trên các diễn đàn trao đổi về chủ đề này, tôi thường xuyên chỉ thấy nói đến việc dịch thuật tác phẩm văn học này, cuốn phê bình nghệ thuật kia có vấn đề (tức là chỉ giới hạn ở dịch viết và cụ thể ở đây là dịch văn học) nên mới mạn phép đặt lại vấn đề chữ dịch thuật và muốn hiểu chữ này trong các ý nghĩa mà nó bao trùm.
“Dịch thuật” là việc chuyển văn bản hay diễn ngôn từ ngôn ngữ gốc thành văn bản hay diễn ngôn có ý nghĩa tương đương trong ngôn ngữ đích. Ðể làm được điều này, người dịch phảI hiểu nội dung và sắc thái văn bản hay diễn ngôn gốc và tìm được cái tương đương trong ngôn ngữ đích. Người dịch hoàn hảo là người dịch “tàng hình”. Người đọc, nghe văn bản đích không thấy có sự hiện diện của người dịch mà chỉ thấy tác giả hoặc diễn giả mà thôi. Cái khó là ở chỗ mỗi con người đều là độc nhất, không ai nói và viết giống ai, trong khi đó người dịch phải “nhập’’ mình vào diễn giả, tác giả để nói, viết như họ. Ðiều này đòi hỏi người dịch phải có những kỹ năng nhất định và những hiểu biết cơ bản trong lĩnh vực mình dịch. Nhưng dù sao thông điệp sau khi đi qua màng lọc là người dịch cũng vẫn ít nhiều khác với bản gốc. Chưa kể đến năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin của người đọc, người nghe. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói một bản dịch dù hay đến mấy vẫn là mặt sau của tấm thảm dệt mà thôi.

2. Hiện trạng dịch thuật Việt Nam

Quay lại với hiện trạng nền dịch thuật Việt Nam, có lẽ không cần chứng minh nhiều cũng thấy ta không hề có một nền dịch thuật mạnh. Ðiều này bắt nguồn đầu tiên từ vấn đề con người mà trước hết là trong giáo dục và đào tạo. Việc đào tạo ngoại ngữ bấy lâu nay ở ta vẫn không lấy gì đáng làm tự hào. Ai có thể nói là học sinh và thậm chí sinh viên Việt Nam (ngoại trừ một số trường chuyên ở các thành phố lớn) nói tiếng nước ngoài giỏi? Học sinh, sinh viên của ta ít có dịp thực hành tiếng với người bản địa, ít được tiếp xúc với đài báo nước ngoài, ít đi du lịch, ngoài ra còn lười đọc ấn phẩm, thông tin bằng tiếng nước ngoài… Không giỏi là hệ quả đương nhiên. Ðến các trường ngoại ngữ, nơi đào tạo các biên phiên dịch viên tương lai tình hình cũng không khá hơn.

Trước hết, phần lớn các sinh viên giỏi ở các trường chuyên, lớp chọn ngoại ngữ đã đi du học (ít người chọn văn học hay ngôn ngữ) hoặc thi vào các trường “lớn” như Ngoại thương, Ngoại giao…, số còn lại vào học ở các trường ngoại ngữ. Sự chênh lệch trình độ trong lớp và thiếu thốn cơ sở vật chất (thư viện nghèo nàn, chỉ thỉnh thoảng mới được lên phòng luyện tiếng đa phương tiện) thiếu giáo viên nước ngoài, phong cách học thụ động như học sinh cấp 4… làm sao có được những biên phiên dịch tài năng. Riêng dịch văn học lại càng khó. Bởi ngoài các kiến thức về ngôn ngữ, người dịch văn học phải có niềm đam mê và khiếu văn học. Hai điều này thì không trường nào đào tạo được. Người dịch có hay không có hai phẩm chất này là do tự nhiên chứ không do đào tạo. Ðó là chưa kể đến việc hoàn nguyên được văn phong của tác giả là một việc rất khó, hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân và sự lựa chọn của người dịch.

Ðây là một yếu tố chủ quan nên mỗi người dịch sẽ cho ra một bản dịch (version) của riêng mình (khác với dịch văn bản khoa học: nước sôi ở 100° C, hay trái đất quay xung quanh mặt trời… không thể dịch khác được). Ðó là còn chưa nói đến việc có những yếu tố “không thể dịch được”, hoặc có những yếu tố bắt buộc phải giải thích (chẳng hạn như ai có thể nói là thơ Hồ Xuân Hương, Kiều,… là dịch được?).Ngoài ra, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, dịch sách là một công việc đòi hỏi cao và dành cho một số ít người.

Trong hoàn cảnh ấy, thiết tưởng yếu kém của nền dịch thuật Việt Nam là điều dễ hiểu.Những khó khăn ấy càng trở nên trầm trọng bởi những vấn đề mang tính xã hội. Rõ ràng, văn hóa đọc là rất yếu ở Việt Nam. Phần lớn người đọc tìm mua những tác phẩm dễ đọc, hầu hết các nhà xuất bản tìm sách dễ bán và không sẵn lòng mở hầu bao tìm những dịch giả tốt. Rõ ràng là nhiều người tìm đọc Sidney Sheldon hơn là Jean Paul Sartre, Nhật kí Ðặng Thùy Trâm hơn là Thoạt kì thủy,… Bản quyền bị vi phạm nghiêm trọng làm nản lòng người sáng tác, người dịch. Ngay cả những tác giả lớn còn bị in sách lậu mà không được hỏi ý kiến, không được nhận thù lao, nói gì đến người dịch. Chính người dịch cũng không tôn trọng tên tuổi của chính mình. Ðã không ít trường hợp, một dịch giả ít nhiều có tiếng nhận “đơn đặt hàng’’ rồi giao lại cho sinh viên, hay người dịch thiếu kinh nghiệm “gia công’’ rồi hưởng chênh lệch thù lao dịch, hoặc nhận dịch những ấn phẩm không thuộc chuyên môn của mình, cũng không đầu tư tìm tòi.

Trong khi đó, công việc dịch nói chung và dịch viết nói riêng đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Tìm được một từ “đắt” phải mất cả tuần, cả tháng, có khi không tìm được. Trong các văn bản dịch chăng đầy những cạm bẫy của “giao thoa văn hóa’’ đòi hỏi phải có những hiểu biết về những hiện tượng, khái niệm “tham chiếu văn hóa” mà nếu không sống ở nước ngoài hoặc hỏi người bản địa thì không thể hình dung ra nổi (đa số các trường đào tạo dịch đều tuyển những sinh viên nói ít nhất 2 ngoại ngữ và đã sống liên tục ở nước mà mình muốn học tiếng trong khoảng thời gian 1 năm). Ðã không hiểu thì không thể dịch được. Chính những điều này dẫn đến chất lượng dịch không cao, thậm chí giết chết tác phẩm gốc. Không phải ngẫu nhiên mà bài học đầu tiên của người học dịch là câu cảnh báo “traduire, c’est trahir” (traduttore, traditore), dịch là phản. (*)

Có ý kiến cho rằng: sao không tìm biên dịch Việt kiều? Ða phần trong số họ là những người giỏi ngoại ngữ, nhiều người học vấn cao, quan tâm đến văn học lại không dịch? Tôi không phải Việt kiều nên không hiểu lắm tại sao lại như vậy, càng không muốn trả lời thay cho họ. Nhưng như đã phân tích ở trên: không phải cứ giỏi tiếng là dịch được, nhất là dịch văn học. Dịch thuật là một nghề. Ðã là nghề thì có người được đào tạo, có người thiên bẩm tốt, không cần được đào tạo cũng làm nghề được (nhưng số này đương nhiên là rất ít). Hơn nữa, người Việt ở nước ngoài đa phần ai cũng bận làm nghề gì đó để kiếm sống, không mấy người chọn nghiệp văn chương bạc bẽo, càng ít người bỏ hàng năm trời để dịch một cuốn sách (nếu muốn làm công việc có chất lượng cao). Nếu muốn dịch một quyển sách từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt, họ phải đi xin phép nhà xuất bản và tác giả ấy, liên hệ với nhà xuất bản Việt Nam, và phải chắc là quyển sách ấy được phép xuất bản ở Việt Nam và ăn khách.

Trong chiều ngược lại, họ phải tìm tác phẩm hay của Việt Nam ở đâu? Ở nước ngoài? Hay đợi tác giả trong nước gửi sang? Có bao nhiêu nhà xuất bản nước ngoài đồng ý in tác phẩm của tác giả đến từ nước thứ ba? Theo tôi được biết, dịch giả của một số tác giả nổi tiếng nhất của Việt Nam được trả tiền cao gấp nhiều lần tác giả, và số tiền đó có được là nhờ trợ cấp của chính phủ nước sở tại, mấy năm lại có một số trợ cấp như vậy? Chưa nói đến việc nhiều người đã xa tổ quốc lâu năm, tôi không hề có ý định xúc phạm họ, trong khi ngôn ngữ phát triển không ngừng, việc viết để hợp với văn phong và từ ngữ của xã hội Việt Nam hiện nay không phải là điều hiển nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà Shakespeare được dịch đến lần thứ tư sang tiếng Pháp và vẫn tiếp tục được dịch. Tôi nghĩ vấn đề dịch hay không dịch không nằm ở chỗ thành thạo tiếng ít hay nhiều mà phần lớn phụ thuộc vào khả năng thiên bẩm và kỹ năng dịch. Dịch văn học không phải là trò chơi, hoặc cái mà người ta làm khi nổi hứng nhất thời. Nếu không chỉ có thể trở thành người dịch amateur mà thôi.

(*) hoặc "Dịch là diệt" (theo thầy Nguyễn Thành Vân)

(Nguồn: diễn đàn Dịch thuật Hà Nội)

4 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. "Dịch là diệt" là câu thầy nghe được từ các đồng nghiệp khác, chứ không phải tự nghĩ ra. Không rõ ai nói đầu tiên. Không nên ghi là theo thầy... để mọi người khỏi hiểu nhầm! Thanks!

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. Casino889 nhà cái uy tín hàng đầu tại Việt Nam soi kèo bóng đá
    Với nhiều ưu đãi hấp dẫn cùng hoa hồng cao gấp 6 lần
    Dịch vụ rút nạp tiền nhanh gọn, thủ tục 15s và nhận tiền chỉ sau 5 phút
    Nhanh tay truy cập : tỷ lệ cá cược bóng đá

    + Nhanh tay đang ký tại nhà cái uy tín hàng đầu

    ReplyDelete